Ngày 18/6, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Phát triển giao thông đường bộ xanh hướng đến NetZero 2050”.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Cam kết mạnh mẽ và có trách nhiệm của Việt Nam tại COP26 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt; nhiều năm đã đánh dấu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng… ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: Là một trong những nguồn phát thải lớn, ngành giao thông vận tải không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam. Đặc biệt, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Chính vì vậy, nhiệm vụ phát triển giao thông đường bộ xanh ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ nhằm góp phần thực hiện cam kết Net Zero mà còn là cơ hội để ngành giao thông vận tải hiện đại hóa, bắt kịp với xu thế và trình độ tiên tiến của thế giới.

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ GTVT đã rất quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm phát thải. Trong đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT (tại Quyết định số 876/QĐ-TTg, ban hành tháng 7/2022) với các mục tiêu, lộ trình thực hiện, nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, ngành GTVT là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô tô, xe máy; điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ngột ngạt. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.

Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện là những trọng tâm.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhấn mạnh, khái niệm giao thông xanh là hình thức giao thông bền vững, tiêu thụ ít năng lượng. Quyết định số 876 đã đề ra các mục tiêu, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với những nhiệm vụ và giải pháp hết sức rõ ràng, cụ thể.

Trong giai đoạn thứ nhất (2022-2030): Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Trong giai đoạn thứ hai (2031-2050): Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô-tô, xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Hay với lĩnh vực giao thông đô thị, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải trong Quyết định số 876 đã đề ra lộ trình cụ thể.

Trong giai đoạn 2022-2030: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45%-50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25%-35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10%-15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Trong giai đoạn 2031-2050: Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Với sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, ngày càng có nhiều người dân sở hữu các phương tiện cá nhân như xe ô-tô, xe máy. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ô nhiễm. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.

Nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ, địa bàn Thủ đô cùng với TP Hồ Chí Minh là hai khu vực thị đang đối mặt nhiều vấn đề về giao thông đô thị. Vấn đề nổi cộm nhất của hai thành phố lớn này là tỷ lệ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông rất cao.

Hà Nội có khoảng 1,1 triệu ô-tô và hơn 6,6 triệu xe máy, và con số này tăng khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Ở đây, chỉ tính con số các xe được đăng ký tại Hà Nội, chưa kể các xe đăng ký vãng lai di chuyển qua địa bàn Thủ đô. Do vậy, phát thải đô thị ở Hà Nội có xu hướng tăng dần hằng năm, ô nhiễm trong giao thông vận tải chiếm khoảng 70% trong đô thị.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, một yếu tố nữa ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường đô thị là cách sử dụng và thói quen sử dụng phương tiện giao thông. Với xe ô-tô, hiện có thể quản lý việc phát thải qua đăng kiểm. Nhưng quản lý với xe máy là vấn đề rất khó. Chúng ta đã có nhiều chương trình, xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy, nhưng chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Rõ ràng, việc duy trì kiểm tra, kiểm định và vận hành phương tiện xe máy đúng quy định của nhà sản xuất là rất cần thiết.

Thảo luận về các giải pháp giúp cắt giảm phát thải hiệu quả trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, chuyển đổi từ phương tiện sử dụng năng lượng hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là xe bus điện, là những giải pháp trọng tâm trong phát triển giao thông đường bộ xanh.

Vấn đề đặt ra ở đây là cần có thêm các biện pháp để thúc đẩy, khuyến khích đưa xe điện, xe hybrid thay thế xe xăng trong hoạt động vận tải đường bộ. Cùng với đó, phải phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ như trạm sạc, cơ sở bảo dưỡng. Đồng thời, bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ xe điện, xe hybrid khi số lượng xe này gia tăng và được sử dụng nhiều hơn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã mang đến các giải pháp mới, giúp lĩnh vực giao thông đường bộ đạt được hiệu quả kép cả về kinh tế và môi trường.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến cuối năm 2023, cả nước có 5,4 triệu xe ô tô; 72 triệu xe máy chạy bằng xăng. Cùng với đó là khoảng 2 triệu xe máy điện, hơn 20 nghìn ô tô điện; hơn 700 xe bus điện.

N.H